Bức tranh tương lai của ngành chăm sóc sức khỏe nhờ áp dụng công nghệ tại Việt Nam

Chia sẻ

Ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Tại Việt Nam, ngành chăm sóc sức khỏe có giá trị 15.6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 11.2%, chiếm 6.5% cơ cấu GDP. Trong những năm gần, ngành chăm sóc sức khỏe càng cho thấy tương lai khả quan khi có sự tham gia rất lớn của công nghệ hiện đại.

Xu hướng của ngành chăm sóc sức khoẻ trong tương lai

Thứ nhất, người dân tập trung vào phòng ngừa và chăm sóc khoẻ: Sau đại dịch Covid-19, người dân đã thay đổi quan điểm về sức khoẻ cũng như ý thức chăm sóc sức khoẻ được nâng cao hơn rất nhiều. Việc sử dụng các thiết bị y tế di động để theo dõi sức khoẻ cũng như cung cấp dữ liệu theo thời gian thực cho bác sĩ đã mang đến những quyết định phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Công nghệ cũng giúp bác sĩ giải quyết các nhiệm vụ hành chính, tập trung chuyên môn và giảm thiểu rủi ro trong chẩn đoán, điều trị. 

Thứ hai, xu hướng lấy khách hàng làm trung tâm đang được nhiều cơ sở Y tế hướng đến: Các hệ thống chăm sóc sức khỏe có xu hướng thiết lập hệ sinh thái giữa bệnh nhân, bác sĩ, cơ sở y tế, nhà thuốc, nhân viên chăm sóc sức khỏe và các công cụ hỗ trợ theo dõi, chẩn đoán, gợi ý trên nền tảng số. Đồng thời, việc đặt nhu cầu, mong muốn của khách hàng lên hàng đầu sẽ buộc các cơ sở Y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ và loại bỏ những phòng khám kém chất lượng. 

Xu hướng đặt khách hàng làm trung tâm được nhiều phòng khám hướng đến

Thứ ba, sự tăng trưởng và già hóa dân số đang dịch chuyển các hình thức chăm sóc sức khoẻ: Dân số thế giới dự báo đạt 9.7 tỷ người vào năm 2050 và dự báo tỷ lệ dân số già hóa chiếm hơn 20% dân số toàn cầu, số lượng người trên 60 tuổi tăng gần gấp đôi so với năm 2000. Việc tăng dân số và già hóa dân số có nghĩa là chi phí chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Điều này thúc đẩy các giải pháp chăm sóc sức khỏe mới linh hoạt và tiết kiệm chi phí hơn. Ngoài ra, việc khan hiếm về nguồn lao động có chất lượng trong lĩnh vực này cũng là tác nhân thúc đẩy các sáng kiến về chăm sóc sức khỏe từ xa.

Thứ tư, sự phát triển của Internet và di động: Các biện pháp theo dõi sức khỏe từ xa ngày càng mở rộng với sự hỗ trợ của Internet và thiết bị di động. Điều này đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí nhập viện và điều trị nội trú; đồng thời tăng đáng kể năng suất và hiệu quả khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của các nhân viên y tế. Thông qua Internet và thiết bị di động, nhân viên y tế có quyền truy cập đúng thông tin, tình trạng của bệnh nhân ở bất kỳ địa điểm và thời gian nào mà không cần mất thời gian tìm thông tin qua hồ sơ bệnh án giấy hay các tài liệu do bệnh nhân cung cấp. 

Công nghệ tham gia tích cực vào sự chuyển dịch trong ngành Y tế và chăm sóc sức khoẻ

Sản xuất các thiết bị theo dõi sức khoẻ thông minh: Tăng từ 30 tỷ USD năm 2016 đến 100 tỷ USD năm 2023, tốc độ tăng bình quân 23%/năm. Các thiết bị thông minh thu thập theo thời gian thực các thông tin sức khoẻ của người dùng, giúp quá trình theo dõi sức khoẻ diễn ra liên tục, hàng ngày. 

Công nghệ Big Data & Data Analytics: Big Data cung cấp một nguồn dữ liệu khổng lồ trong ngành y tế, kết hợp với công cụ phân tích giúp giảm tỷ lệ sai sót trong việc sử dụng thuốc, hướng dẫn các giám sát phòng ngừa hoặc cảnh báo những sự kiện bất ngờ của sức khỏe.

Công nghệ Blockchain: sử dụng trong việc bảo mật hồ sơ bệnh án, hồ sơ bảo hiểm, cung cấp quyền truy cập nhanh, bảo vệ tính toàn vẹn của thông tin và kiểm soát chuỗi cung ứng thuốc. Ví dụ, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể được cấp quyền truy cập nhanh vào hồ sơ bệnh nhân thông qua một hệ thống an toàn được xác nhận bởi các bên. Ở góc độ quản lý, bệnh viện có thể tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ liên quan đến việc xét nghiệm lại.

Công nghệ tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số trong Y tế

 

Trí tuệ nhân tạo (AI): cho phép máy móc xử lý thông tin và cung cấp dữ liệu để ra quyết định theo cách tương tự như con người. Các ứng dụng AI có thể cải thiện tốc độ và độ chính xác của quá trình chẩn đoán.

Công nghệ Cloud: là nền tảng giải quyết nhu cầu xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở hạ tầng cho việc lưu trữ cơ sở dữ liệu khổng lồ từ các bệnh viện. Các bệnh nhân và người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể truy cập tiện lợi hơn vào các hồ sơ lưu trữ trên đám mây, giúp cho quá trình tư vấn sức khỏe thuận tiện hơn.

Công nghệ thực tế ảo: tạo ra các mô phỏng, cho phép tương tác đa dạng hơn, hỗ trợ các nghiên cứu về vật lý trị liệu, lên kế hoạch cho các cuộc phẫu thuật, hoặc hỗ trợ việc đào tạo sinh viên y khoa hoặc các nhân viên chăm sóc sức khỏe.

Công nghệ ngày càng phát triển hứa hẹn tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành Y tế và chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc cập nhật và ứng dụng công nghệ cần sự chỉ đạo và thực hiện từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, mang đến những dịch vụ tốt nhất cho người dân.