Y tế thông minh - Mục tiêu của ngành Y tế trong giai đoạn chuyển đổi số

Chia sẻ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó chuyển đổi số y tế là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên thực hiện trước. Y tế thông minh là mục tiêu lớn nhất mà ngành Y tế mong muốn đạt được khi tham gia vào chương trình này.

Y tế thông minh là gì?

Khái niệm “Y tế thông minh” hay “Smart health” là sử dụng công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng cường tự động hóa trong các hoạt động y tế, nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân. Hiện xu thế ứng dụng AI vào ngành y tế đã trở thành tất yếu, các nước có nền y tế và công nghệ phát triển bậc nhất thế giới đã dần triển khai ứng dụng mô hình này vào công tác khám, chữa bệnh. Thực tế, Việt Nam đã sử dụng AI vào y tế từ vài năm trước đây. Hiện tại, dù AI chưa thực sự được đưa vào vận hành phổ biến trong các bệnh viện nhưng đã có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ việc khám, chữa bệnh. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sự hiện diện của AI qua ứng dụng Bluezone – Ứng dụng có khả năng phát hiện việc tiếp xúc gần bằng cách tự động thống kê và ghi lại việc tiếp xúc giữa những người đã cài đặt Bluezone với nhau, cho biết chúng ta đã từng tiếp xúc với ai, thời gian nào… nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, khái niệm Y tế thông minh được hiểu rộng ra là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện trong lĩnh vực y tế, bao gồm phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Y tế thông minh là mục tiêu lớn nhất của ngành Y tế trong giai đoạn chuyển đổi số

Lộ trình của Y tế thông minh

Mục tiêu đến năm 2025 là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp lên cổng quốc gia, triển khai trên thiết bị di động. 80% hệ thống thông tin y tế được kết nối, chia sẻ qua nền tảng tích hợp dữ liệu y tế. 90% hồ sơ, công việc trong cơ quan, đơn vị y tế được xử lý trên môi trường mạng. 60% dịch vụ y tế được thanh toán điện tử. 210 bệnh viện chuyển đổi số thành công, triển khai bệnh án điện tử, thanh toán không tiền mặt. 70% bệnh viện có hệ thống khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến. 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, kết nối với tất cả cơ sở khám chữa bệnh…

Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động của ngành Y tế đến năm 2030

Đến năm 2030, toàn ngành Y tế phấn đấu đưa ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, với khoảng 700 bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định...

Những người được hưởng lợi từ Y tế thông minh

Nếu triển khai đồng bộ và toàn diện ngành Y tế theo lộ trình đã đề ra, những lợi ích mà Y tế mang lại cho người dân, nhân viên Y tế, các nhà quản lý chắc chắn sẽ vô cùng to lớn.

Đối với người dân, họ dễ dàng tiếp cận và trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn bệnh viện, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến bệnh viện ngồi chờ để đến lượt khám. Đồng thời, người bệnh không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được bệnh viện trước đó đã làm,… Hơn thế, người dân có thể giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khoẻ của mình, có thể trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị.

Y tế thông minh mang đến những lợi ích tốt đẹp cho người dân

Đối với nhân viên y tế, họ được cập nhật thông tin khoa học, dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án trước đây của cùng một bệnh nhân trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một bệnh viện và giữa các bệnh viện với nhau, hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện, dễ dàng tham gia các khoá  đào tạo liên tục cập nhật kiến thức từ xa.

Đối với các nhà quản lý bệnh viện, họ sẽ giám sát được thời gian thực việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật, tuân thủ phác đồ, tuân thủ quy chế kê đơn,…; Đồng thời, các bệnh viện sẽ quản lý được nguồn nguyên liệu, chống lãng phí trong sử dụng thuốc, vật tư y tế tiêu hao; số hoá kho hồ sơ bệnh án; rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện, phòng khám dễ dàng triển khai hệ thống nhắc người bệnh đến tái khám, đến tiêm chủng,…;xây dựng hệ thống khó mắc lỗi, xây dựng hệ thống cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất tai biến y khoa.

Đối với những người công tác trong cơ quan quản lý nhà nước, họ dễ dàng tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của ngành Y tế để ra những những dự báo có cơ sở thực tiễn và chủ động có can thiệp hiệu quả như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện của mạng lưới cấp cứu 115 của thành phố, điều phối tình trạng quá tải tại các bệnh viện, kiểm tra giám sát hành nghề y tế tư nhân,…